Bất động sản Hải Phòng hưởng lợi từ mô hình đô thị đa cực

Bất động sản Hải Phòng hưởng lợi từ mô hình đô thị đa cực

Hải Phòng quy hoạch theo mô hình đô thị đa trung tâm, tạo động lực phát triển bất động sản ở nhiều khu vực, nổi bật là Kiến An.

TP Hải Phòng, đầu tháng 5, đã thông qua quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Trong đó, địa phương chuyển từ mô hình “đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” sang mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Xây dựng đô thị đa cực được đánh giá là giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững trong tương lai. Không chỉ Hải Phòng, nhiều địa phương khác của Việt Nam cũng áp dụng mô hình này.

Xu hướng đô thị đa cực

Khái niệm “đô thị đa cực” lần đầu tiên xuất hiện tại Bắc Mỹ, được khoanh vùng cho khu vực gần đường cao tốc. Sau đó, khái niệm này dần trở nên phổ biến hơn. Cùng với sự phát triển kinh tế của thế giới, mô hình đa cực, đa trung tâm dần được triển khai ở nhiều quốc gia và các thành phố lớn.

Tại Mỹ, những đại đô thị nằm giữa và phía Nam New York phát triển trước khi hợp nhất với những khu vực lân cận như Bronx, Queens, Brooklyn và đảo Staten. Trong khi London đã hình thành một cách tự nhiên như một thành phố đa trung tâm, với nhiều thị trấn và làng mạc phát triển như những đô thị lớn.

Trong những năm gần đây, các đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội hay TP HCM bắt đầu hình thành khu đô thị đa cực. Sự hiện hữu của những đại đô thị theo khu vực là động lực để thu hút, chuyển dịch cộng đồng cư dân từ nội thành ra ngoài thành, tạo nên những trung tâm mới. Mỗi khu trung tâm sẽ trở thành một tâm điểm, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cuộc sống, từ nghỉ ngơi, làm việc, học tập, chăm sóc sức khỏe, giải trí hay thương mại dịch vụ.

Chẳng hạn như tại Hà Nội, theo quy hoạch đến năm 2045, Thủ đô sẽ có các thành phố trung tâm, thành phố phía Tây, phía Nam và phía Bắc. Mỗi thành phố có những chức năng khác nhau. Tương tự, TP HCM cũng có dự định phát triển đô thị đa trung tâm. Ngoài trung tâm hiện hữu, thành phố sẽ có thêm các trung tâm mới ở từng khu vực khác nhau.

Động lực cho sự phát triển của các đô thị ngoài trung tâm là những công trình giao thông trọng điểm. Trong đó, đường vành đai được xem là “chìa hóa giao thông” của các khu vực này. Tuyến vành đai không chỉ đóng vai trò giảm tải áp lực giao thông, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Đánh giá về tác động của hạ tầng, đặc biệt là đường vành đai, theo đại diện của Savills, hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích đô thị thường là một trong những yếu tố có thể tác động tới giá trị của bất động sản. Bên cạnh tháo gỡ các nút thắt giao thông, việc triển khai các công trình này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các tỉnh thành, đồng thời đẩy mạnh tình hình kinh tế – xã hội trong khu vực. Đây được xem là lực đẩy đối với thị trường bất động sản, giúp mang đến tiềm năng phát triển và đầu tư.

Tiềm năng từ các trung tâm mới

Là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, sở hữu nhiều lợi thế, TP Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành thành phố đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là động lực phát triển của Bắc Bộ và cả nước. Về dài hạn, thành phố kỳ vọng đến năm 2045 – 2050 có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Một góc TP Hải Phòng hiện hữu. Ảnh: Lê Tân

Theo mô hình mới, động lực của Hải Phòng đến từ “hai vành đai – ba hành lang – ba trung tâm và các đô thị vệ tinh. Trong đó, ba trung tâm đô thị được quy hoạch bao gồm: trung tâm lịch sử và đô thị mới Bắc sông Cấm; trung tâm thương mại – tài chính quốc tế ở Hải An – Dương Kính; đô thị sân bay ở Tiên Lãng. Cùng với đó, thành phố quy hoạch rất nhiều đô thị vệ tinh.

Với định hướng phát triển này, khu trung tâm cũ của Hải Phòng sẽ được mở rộng để đáp ứng nhu cầu dịch chuyển của cư dân khắp nơi đổ về an cư, lập nghiệp.

Trong đó, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Hải Phòng, quận Kiến An được định hướng trở thành trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn và bán lẻ trong tương lai, trở thành một mắt xích nối dài từ vùng trung tâm cũ. Khu vực này cũng có nhiều lợi thế về thu hút các dự án, nhà đầu tư bất động sản.

Kiến An có lợi thế về vị trí khi ôm trọn dòng chảy của hai con sông Lạch Tray, Đa Độ và hai dãy núi Thiên Văn, Cột Cờ. Vị thế núi sông, nơi giao thoa của đa dạng văn hóa, tạo điều kiện cho Kiến An thu hút cư dân, khách du lịch với hệ thống tiện ích, dịch vụ sẵn có.

Quận này cũng là đầu mối giao thông thủy – bộ – hàng không, kết nối với các vùng kinh tế, du lịch của miền Bắc như Hải Phòng, Đồ Sơn, Cát Bà, Hạ Long… Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 đoạn đi qua Tân Vũ – Hưng Đạo – đường Bùi Viện với tổng chiều dài khoảng 10,6 km sẽ được triển khai. Trong đó, tại trục đường Bùi Viện sẽ xây dựng cầu vượt nút giao với chiều dài cầu khoảng 250 m, bề rộng mặt cầu 25 m gồm 6 làn xe. Sau khi hoàn thành, Vành đai 2 được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu lưu thông của xe container, phân luồng phương tiện trọng tải lớn ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.

Tuyến đường cũng thúc đẩy hoạt động kinh tế, tăng chất lượng cuộc sống cho cư dân khu vực. Thông qua Vành đai 2, thời gian di chuyển đến các khu vực khác của Hải Phòng cũng rút ngắn.

Dự án Golden Point nằm trên giao lộ đường Vành đai 2 và đường Bùi Viện. Ảnh: Vạn Phúc Điền

Hiện tại, khu vực này bắt đầu thu hút các dự án bất động sản. Tiêu biểu có thể kể đến Golden Point của chủ đầu tư Vạn Phúc Điền. Theo đại diện đơn vị, lợi thế của Kiến An để thu hút cư dân là quỹ đất rộng, giá tốt cùng vị trí trung tâm theo quy hoạch. Bất động sản dự báo còn tiếp tục tăng trưởng khi các tuyến đường như Vành đai 2 thông xe. “Khu vực này dự báo sẽ đón làn sóng các nhà đầu tư bất động sản tìm kiếm sản phẩm để ở và khai thác kinh doanh dài hạn”, đại diện Vạn Phúc Điền chia sẻ.

(Theo báo Vnexpress.)